Là đấng sinh thành, ắt hẳn cha mẹ nào cũng luôn muốn dành những điều tốt đẹp cho gia đình, con cái của mình. Tuy nhiên, trong cuộc sống sẽ không tránh khỏi đôi khi cha mẹ làm tổn thương con trẻ vì chính những lời nói. Và tất nhiên không phải cha mẹ nào cũng nhận ra điều đó. Đồng thời không phải con cái nào cũng có thể mở miệng nói rằng mình bị tổn thương. Từ đó dẫn đến sự xa cách trong quan hệ cha mẹ con cái. Tệ hơn nữa chính là con cái sẽ không nghe lời cha mẹ. Vì thế, cha mẹ cần cân nhắc kỹ mỗi khi chỉ dạy con trẻ điều gì để không làm tổn thương các bé. Cùng điểm qua 4 câu nói gây tổn thương con mà bậc cha mẹ hay mắc phải qua bài viết sau.
Mục lục
4 câu nói của bậc cha mẹ khiến con cái bị tổn thương
“Sao con ngốc thế?”
Khi học tập, con trẻ sẽ có nhiều lúc gặp phải vấn đề khó hiểu và cần cha mẹ giải đáp. Tuy nhiên kiến thức của trẻ nhỏ đối với người lớn là cực kỳ đơn giản. Vì thế nên cha mẹ có thể sẽ mất kiên nhẫn khi giải thích mà con trẻ không hiểu được.
Khi không biết phải làm sao để con hiểu được vấn đề, cha mẹ thường buộc miệng thốt lên: “Sao con ngốc thế?”. Tuy chỉ là vô tình cảm thán và không có ác ý, nhưng trẻ sẽ nhớ mãi và bị tổn thương. Nếu nghe câu nói này nhiều lần, trẻ có thể sẽ trở nên rụt rè. Thậm chí, trẻ sẽ không dám nêu thắc mắc của mình cho cha mẹ.
Trên thực tế, cha mẹ đã bỏ qua một vấn đề. Trẻ đang trong giai đoạn học hỏi nên việc trẻ không biết một điều gì đó là bình thường. Ngoài ra, trẻ không hiểu vấn đề có thể là do bạn chưa biết cách truyền đạt, hướng dẫn cho trẻ.
Đối với trẻ em, câu nói “Sao con ngốc thế?” tương đương với sự chối bỏ của cha mẹ. Một số đứa trẻ sẽ nổi giận và nói: “Vâng, con dốt, con không làm được”. Hoặc trong lòng chúng sẽ có sự nghi ngờ và phủ nhận bản thân. Điều này sẽ gây nên tác hại rất lớn với trẻ.
“Việc này con không làm được đâu”
Trẻ em vốn có tâm lý tin tưởng và ỷ lại vào cha mẹ. Khi được cha mẹ tin tưởng, chúng sẽ tự tin hơn. Tương tự, nếu cha mẹ luôn phủ nhận và nói rằng trẻ không tốt, trẻ sẽ nghĩ rằng mình không tốt. Sự hỗ trợ của gia đình là rất quan trọng đối với trẻ em, và sự hỗ trợ này là nguồn giúp trẻ tự tin.
“Nhìn con cái gia đình người ta kia kìa”
Để động viên con cái tiến bộ, nhiều bậc cha mẹ luôn lấy con cái gia đình người khác làm tấm gương. Họ luôn nói với con rằng, hãy nhìn bạn kia kìa, bạn ấy ngoan và giỏi, con thì sao?
Cha mẹ nghĩ, kiểu so sánh này giúp con cái học hành chăm chỉ và ngày càng giỏi giang. Nhưng đối với trẻ nhỏ, điều đó sẽ chỉ khiến chúng cáu kỉnh, lo lắng, thậm chí chán nản.
Bố/mẹ không cần con nữa
Trẻ em rất phụ thuộc vào cha mẹ, khi cha mẹ nói ra lời này trẻ sợ rằng mình sẽ bị cha mẹ bỏ rơi. Từ đó, nội tâm của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Trẻ sẽ trở nên nhạy cảm và tự ti.
Do vậy, khi giáo dục con cái, cha mẹ phải quan tâm, điều tiết lời nói và việc làm của mình. Trước khi nói phải suy nghĩ xem lời nói đó có ảnh hưởng xấu đến trẻ hay không? Cha mẹ đừng coi thường lời nói của mình, vì nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời con cái.
Nguồn: vietnamnet.vn