Những phép lịch sự gây hại khi dạy trẻ

Gia đình Lối sống
Mất:3 phút, 33 giây để đọc

Ứng xử lịch sự là điều mà nhiều bố mẹ luôn cố gắng dạy dỗ con cái. Xã hội cũng sẽ coi đó là thước đo sự giáo dục của cha mẹ. Thông qua cách ứng xử, chúng ta có thể phán đoán được bố mẹ có giáo dục trẻ cẩn thận hay không. Nhiều bố mẹ thường dạy trẻ phải lịch sự, phép tắc mọi nơi. Tuy nhiên, nếu áp đặt các quy tắc lịch sự sai cách sẽ vô tình đưa con vào những khuôn mẫu sai lầm khiến con cái bị ảnh hưởng tâm lý. Dưới đây là một số phép lịch sự các bậc cha mẹ không nên quá gò ép con cái mình.

Buộc con nhường nhịn trẻ bé hơn

Từ lâu nay, cha mẹ luôn cho rằng lớn tuổi hơn sẽ phải luôn nhường nhịn bé tuổi hơn. Tuy nhiên, quan điểm này sẽ có thể làm tổn thương ý thức của trẻ em về quyền sở hữu. Không phải trong bất kỳ trường hợp nào cũng nên áp dụng điều này. Biết nhường nhịn là một đức tính tốt. Nhưng hãy dạy bé biết bảo vệ những gì thuộc về mình.

Không nên dạy trẻ quá khắt khe, gò bó.
Không nên dạy trẻ quá khắt khe, gò bó.

Phép lịch sự này sẽ khiến trẻ hoang mang về việc phải trao những gì thuộc về mình cho người khác, chỉ vì đối phương nhỏ tuổi hơn. Cách ứng xử này vô tình gây ra sự mất bình đẳng trong các mối quan hệ, đồng thời gieo mầm suy nghĩ cho trẻ rằng có thể ỷ lại mình bé hơn để vòi vĩnh, giằng giật, hoặc được đối xử dễ dãi hơn so với người khác.

Buộc trẻ nói lời chào

Lời chào luôn là điều đầu tiên mà cha mẹ muốn dạy con mình. Tuy nhiên, đừng cố bắt con lúc nào cũng phải chào hỏi người lạ. Nếu bạn gượng ép con bật ra lời chào, mệnh lệnh này thường phản tác dụng. Đặc biệt với trẻ cá tính, dễ nổi loạn. Đừng quên, tâm lý không thích chào hỏi là hết sức bình thường của trẻ. Xuất phát từ việc cảm thấy xa lạ, hoặc tâm lý đang không vui…

Với trẻ nhạy cảm, có sự cảnh giác nhất định với người lạ. Việc trở nên gần gũi sẽ đòi hỏi nhiều thời gian. Đó đơn thuần là cơ chế “tự bảo vệ” của bé. Không thể bắt trẻ ngay từ lúc đầu đã gần gũi được với tất cả mọi người. Đây thực chất là một loại cảm xúc bản năng. Cha mẹ nên cho con cơ hội phát triển cảm xúc bản năng này, giống như một dạng “camera an ninh” của chính mình.

Dạy trẻ cũng là một nghệ thuật.

Luôn bắt trẻ phải khiêm tốn

Khiêm tốn là một đức tính tốt. Nhưng trong một số hoàn cảnh, việc bắt buộc phải khiêm tốn sẽ khiến bé đánh mất sự tự tin. Ví dụ, một bà mẹ cho con tập xe. Nhiều người qua lại khen cậu bé: Con đạp xe giỏi quá. Người mẹ đã nói: “Đâu có, mấy đứa trẻ khác còn giỏi hơn con tôi nhiều”.

Câu nói tưởng như vô thưởng vô phạt này lại có tác động lớn đến cậu bé. Thay vì cảm thấy được động viên, khuyến khích, cậu bé sẽ nảy sinh sự hồ nghi: “Hóa ra mình chẳng giỏi giang gì, nhiều người giỏi hơn mình”. Thậm chí, trẻ hiểu là mẹ không đánh giá tốt những thể hiện của mình,. Trẻ sẽ nghĩ rằng mình không bằng những bạn khác.

Trước mỗi lời khen, điều đầu tiên cha mẹ làm không phải là khước từ ngay, mà là học cách đón nhận. Bạn có thể sử dụng quy tắc giao tiếp: 5 điểm cảm ơn, 3 điểm hỗ trợ, 2 điểm kỳ vọng. Tức là: Bạn cảm ơn sự khen ngợi của đối phương, sau đó bạn đề cập đến sự tích cực của trẻ để đạt thành quả, và thứ ba là bày tỏ kỳ vọng con sẽ làm tốt hơn nữa trong tương lai.

Nguồn: baovanhoa.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *