Nam Á là một trong những khu vực đang được Việt Nam đặc biệt chú trọng khi lựa chọn thị trường quốc tế tiềm năng để xuất khẩu hàng Việt. Sự đa dạng về quy mô và trình độ phát triển kinh tế của các quốc gia trong khu vực này là cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại cho Việt Nam.
Mục lục
Tiềm năng của khu vực Nam Á
Trong bối cảnh dịch Covid-19, tình hình ở các nước châu Mỹ, châu Âu vô cùng phức tạp. Do đó, nước ta tập trung đẩy mạnh khai thác các thị trường lân cận, đặc biệt là trong khu vực ASEAN. Theo phân tích và đánh giá của các chuyên gia, các quốc gia tại khu vực Nam Á được xem là thị trường vô cùng hấp dẫn.
“Tiểu lục địa” này có mật độ dân số gần 2 tỷ người. Mặc dù thu nhập của khu vực này nằm ở mức trung bình thế giới nhưng sức mua rất lớn. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu nhập khẩu hàng hoá của khu vực này cũng rất cao.
Việt Nam chiếm được ưu thế do có nhiều mặt hàng xuất khẩu Việt có thể đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường tiêu thụ này.
Lợi thế xuất khẩu hàng Việt vào khu vực Nam Á
Mối quan hệ giao thương giữa Việt Nam với các nước khu vực Nam Á có nhiều tích cực. Đặc biệt là 3 thị trường Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh. Doanh nghiệp Việt có đầy đủ các mặt hàng phù hợp với nhu cầu của các quốc gia. Hơn nữa, hàng Việt Nam có điều kiện cạnh tranh dễ hơn ở khu vực này. Đó là do yêu cầu kỹ thuật không khắt khe và giá cả của hàng Việt cạnh tranh tốt.
Ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm hội nhập quốc tế TP.HCM cho biết, hàng Việt xuất khẩu sang Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Vì thế, dư địa xuất khẩu vào khu vực này khá lớn.
Tại Ấn Độ
Ông Bùi Trung Thướng, đại diện Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ khẳng định Ấn Độ là thị trường rất tiềm năng. Sau 10 năm Ấn Độ và ASEAN ký Hiệp định thương mại tự do, xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia này tăng 16 lần. Thị trường của Ấn Độ có nhu cầu về hàng tiêu dùng, thực phẩm chế biến, hàng di động,…
Theo ông Bùi Trung Thướng chia sẻ, dân số Ấn Độ đông, phân hóa giàu nghèo rõ rệt. Thế nên, các mặt hàng từ cao cấp đến đơn giản đều có thể tiếp cận được thị trường này. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập vào thị trường thì cần phải nghiên cứu và có chiến lược phù hợp. Ấn Độ tuy là thị trường dễ tính nhưng quy định về phòng vệ thương mại lại nhiều. Đây cũng là những lưu ý cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Ấn Độ.
Tại Pakistan
Bà Nguyễn Việt Hà, đại diện Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan cho biết, hiện Việt Nam đang là quốc gia số 1 xuất khẩu chè và cá ba sa vào đất nước này.
Mặc dù Pakistan không trồng chè, điều, tiêu nhưng nhu cầu tiêu thụ rất cao. Pakistan là thị trường nhập khẩu chè lớn nhất toàn cầu. Sản lượng nhập khẩu chiếm 7,7% tổng trị giá nhập khẩu chè toàn cầu. Hiện Việt Nam chỉ mới xuất khẩu vào đây khoảng 35 ngàn tấn. Con số này chiếm 33% tổng kim ngạch chè xuất khẩu của Việt Nam.
Giá chè của Việt Nam thấp nhất so với các nước xuất khẩu khác vào Pakistan. Đây là lợi thế cạnh tranh tốt vô cùng tốt. Chè xuất khẩu vào Pakistan phải đạt tiêu chuẩn Halal. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu dùng quá cao nên chỉ tiêu này không được kiểm soát khắt khe.
Tại Banglades
Ông Phạm Việt Chiến, Đại sứ quán Việt Nam tại Banglades cho biết, hàng Việt rất có uy tín tại nước này. Đây là một trong các nước đang phát triển nên đòi hỏi về chất lượng không quá cao. Doanh nghiệp có thể cạnh tranh tốt.
Hiện nước này đang thành lập 100 đặc khu kinh tế trên toàn quốc, dự kiến thu hút 30,2 tỷ USD. Đến nay đã nhận được đề xuất đầu tư hơn 20,5 tỷ USD.
Ngoài ra, Banglades muốn kết nối với Việt Nam để trở thành cửa ngõ cho hàng Việt vào Nam Á.
Hiện nay, dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế các quốc gia. Chuỗi cung ứng và đầu ra hàng hoá gặp nhiều khó khăn và cần có biện pháp giải quyết. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và các nước Nam Á hợp tác về thương mại và đầu tư.
Xem thêm những bài viết hữu ích khác tại đây
Nguồn: cafef.vn