Thời tiết giao mùa là giai đoạn cao điểm của những căn bệnh hô hấp, đặc biệt là ở trẻ em. Trẻ bị viêm phế quản, viêm phổi, hay cảm lạnh thường xảy ra tình trạng khó thở. Cùng SRE tìm hiểu về những dấu hiệu thường gặp cũng như cách phòng ngừa những bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ em qua bài viết dưới đây.
Mục lục
Cơ chế gây nên bệnh lý hô hấp ở trẻ
Quá trình hô hấp của con người trao đổi bằng cách hít khí oxy và thải carbonic ra ngoài nên vi khuẩn rất dễ xâm nhập vào và gây ra nhiều bệnh về hô hấp. Hệ miễn dịch của trẻ em chưa thật sự hoàn thiện nên khả năng mắc các bệnh về hô hấp cao hơn người lớn rất nhiều. Đặc biệt là một số bệnh thường gặp sau đây:
Bệnh cảm cúm khiến trẻ bị khó thở
Cảm cúm thường gây sốt cao từ 5 đến 7 ngày, khiến người bệnh đau cơ, mệt mỏi, ho và chảy nước mũi. Các biến chứng của bệnh cúm có thể rất nghiêm trọng và gây ra viêm phổi cũng như nhiễm khuẩn thứ phát.
Bệnh cúm có thể nguy hiểm, thậm chí gây chết người, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Các cơn sốt ở trẻ em có xu hướng cao hơn ở người lớn và các triệu chứng tiêu hóa của bé cũng thường tồi tệ hơn.
Bệnh cảm lạnh thông thường
Cảm lạnh hay còn gọi là nhiễm trùng đường hô hấp trên, là lý do chính khiến trẻ em phải ở nhà để nghỉ ngơi và không thể đến trường. Các triệu chứng của cảm lạnh thường bao gồm:
- Sổ mũi
- Đau họng
- Ho khan
- Hắt xì
- Nhức đầu và đau nhức cơ thể
Bệnh hen suyễn khiến trẻ bị khó thở
Theo CDC, hơn 6,2 triệu trẻ em ở Hoa Kỳ, hoặc khoảng 8% tổng số trẻ em Hoa Kỳ, mắc bệnh hen suyễn. Hen suyễn là một bệnh phổi có khả năng gây ra tình trạng nghiêm trọng, các triệu chứng thường gặp như:
- Ho khan
- Tức ngực hoặc nặng ngực
- Thở gấp hoặc khó thở
- Thở khò khè hoặc có ran rít khi thở ra
Một số yếu tố có thể làm kích hoạt cơn hen suyễn là hít phải bụi, phấn hoa hoặc tiếp xúc với chất gây dị ứng như lông thú cưng. Đây là bệnh khiến trẻ có nguy cơ cao bị viêm phế quản hoặc viêm phổi.
Nếu bé ho nhiều, ho khi vận động kèm khó thở, thở khò khè có ran rít hoặc bị viêm phế quản tái đi tái lại nhiều lần, bạn hãy đến gặp bác sĩ nhi khoa để khám và đánh giá tình trạng của bé.
Bệnh viêm xoang khiến trẻ bị khó thở
Nguyên nhân gây bệnh viêm xoang thường là do nhiễm trùng. Đây là bệnh được phân loại theo cấp tính và mạn tính, thường đi kèm với cảm lạnh, cảm cúm hoặc có thể do dị ứng gây ra. Viêm xoang có thể dẫn đến:
- Ho và sổ mũi
- Nghẹt mũi
- Đau và cảm giác nặng ở mặt, đặc biệt là sau mắt và mũi
- Chảy dịch mũi có thể gây đau họng, hôi miệng, buồn nôn hoặc nôn
Bệnh viêm phế quản
Viêm phế quản thường do virus gây ra và có thể phát triển sau khi bị cảm lạnh hoặc cúm. Sau khi virus đào thải ra khỏi cơ thể, bé có thể ho liên tục kéo dài từ 3-4 tuần. Ngoài ho tức ngực, các triệu chứng có thể bao gồm:
- Sổ mũi
- Sốt và ớn lạnh
- Đau ngực và tắc nghẽn
- Đau họng
- Thở khò khè
- Khó chịu hoặc mệt mỏi
Bệnh viêm thanh khí phế quản
Viêm thanh khí phế quản còn được gọi là viêm thanh quản, thường do một loại virus gây sưng ở khí quản và thanh quản. Viêm thanh quản có xu hướng ảnh hưởng đến trẻ nhỏ dưới 4 tuổi và có đặc điểm nổi bật là nói khàn, ho khan và suy hô hấp.
Bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn
Viêm họng do liên cầu khuẩn khá phổ biến ở trẻ em. Cứ 10 trẻ em viêm họng thì có đến 3 trẻ bị viêm họng do liên cầu khuẩn. Các triệu chứng thường gặp là cổ họng có cảm giác đau, khó nuốt thức ăn, nước bọt. Các hạt cũng có thể sưng lên tại cổ họng dẫn đến cảm giác ngứa hay vướng họng.
Trẻ em và người lớn bị viêm họng do liên cầu khuẩn cần được điều trị càng sớm càng tốt. Nếu chậm trễ, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như sốt thấp khớp, một tình trạng viêm nghiêm trọng ảnh hưởng đến tim, khớp, hệ thần kinh và da, thậm chí gây bệnh thấp tim và bệnh thận.
Bệnh viêm phổi khiến trẻ bị khó thở
Viêm phổi là tình trạng phổi bị nhiễm trùng do tác nhân virus, vi khuẩn, nấm và có thể trở thành một tình trạng nguy hiểm. Các triệu chứng bao gồm:
- Thở nhanh
- Sốt cao và ớn lạnh
- Ho khan
- Mệt mỏi
- Đau ở ngực, đặc biệt là khi thở
- Các triệu chứng có thể ít rõ ràng hơn ở trẻ em so với người lớn, nên có thể khó chẩn đoán hơn.
Cách phòng ngừa tình trạng khó thở ở trẻ
Để tránh những triệu chứng bệnh về hô hấp khiến trẻ bị khó thở, bạn hãy thực hiện các cách dưới đây để phòng ngừa bệnh:
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bệnh để tránh lây nhiễm.
- Rửa tay thường xuyên cho trẻ hoặc dạy trẻ rửa tay thường xuyên.
- Lau dọn nhà cửa và làm sạch những khu vực nhiều người sử dụng: Các bệnh về đường hô hấp lây truyền qua nước bọt và dịch tiết mũi khi tiếp xúc trực tiếp như bắt tay, chạm vào các bề mặt dùng chung như tay nắm cửa và mặt bàn có khả năng cao làm lây bệnh.
- Tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm: Tiêm vắc-xin ngừa cúm giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh viêm phổi hoặc phải nhập viện do tiếp xúc với người bị bệnh cúm.
Những nguyên nhân khác khiến trẻ bị khó thở
Trẻ bị khó thở thường do rất nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó bệnh về đường hô hấp là chủ yếu. Ngoài ra, một số nguyên nhân hiếm gặp dưới đây cũng có thể khiến trẻ bị khó thở:
- Tim mạch (bệnh tim bẩm sinh, bệnh van tim, loạn nhịp tim, viêm cơ tim…)
- Thần kinh, cơ (bệnh liệt thần kinh hoành, bệnh thần kinh cơ bẩm sinh, loạn dưỡng cơ…)
- Chuyển hóa (chuyển hóa, tăng urê máu, cường giáp…)
- Thiếu máu (bệnh bạch cầu, bệnh thalassemia, bệnh thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm…)
- Tâm lý (hội chứng tăng thông khí, hội chứng loạn chức năng dây thanh, giả hen…)
Nếu nghi ngờ trẻ bị khó thở không phải do mắc bệnh về hô hấp mà là đang mắc một bệnh khác, bạn hãy nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để điều trị kịp thời.
Bạn nên đưa bé tới bệnh viện nhi để điều trị ngay khi thấy con có triệu chứng sốt cao, ho nặng tiếng, thở nhanh, khó thở, ngủ li bì, bỏ ăn uống, quấy khóc nhiều. Nếu lo lắng về những biểu hiện bất thường của trẻ, bạn cũng nên đưa con đến bệnh viện để được bác sĩ khám, tư vấn và điều trị đúng cách nhé.
Nguồn: marrybaby.vn